THẮT CHẶT XÉT DUYỆT ĐỐI VỚI HỒ SƠ BẢO LÃNH VỢ CHỒNG CỦA ĐƯƠNG ĐƠN Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
Sở Nhập Tịch và Di Trú Hoa Kỳ USCIS vừa cập nhật hướng dẫn trong bản quy cách xét duyệt Adjudicators Field Manual AFM liên quan đến đơn xin thẻ xanh theo diện hôn nhân mà người bảo lãnh là công dân Hoa Kỳ hoặc người được bảo lãnh là công dân nước ngoài dưới 18 tuổi. Kể từ 21/04/2019, những đơn bảo lãnh vợ chồng I-130 mà liên quan đến việc kết hôn với người dưới 18 tuổi sẽ bị yêu cầu phỏng vấn với viên chức Di Trú. Mặc dù theo luật nhập cư hiện tại của Mỹ không quy định độ tuổi tối thiểu để người bảo lãnh có thể bảo trợ người vợ hoặc chồng của mình là công dân nước ngoài theo diện bảo lãnh thân nhân, Sở Di Trú vẫn sẽ thắt chặt hơn để xem xét cẩn thận và kỹ càng những trường hợp như thế này nhằm đảm bảo chính sách xã hội trong việc bảo vệ những đối tượng vị thành niên.
Những điểm bổ sung để viên chức Di trú đánh giá
Nhìn chung, để đánh giá xem một cuộc hôn nhân có hợp pháp để xin phúc lợi nhập cư hay không, Sở Di Trú sẽ cân nhắc quy định pháp luật nơi mà cuộc hôn nhân được hình thành. Dù vậy, mẫu đơn bảo lãnh I-130 cũng có thể bị từ chối nếu hôn nhân vi phạm chính sách pháp luật của bang. Ví dụ như chính sách đa thê bị cấm trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ nên sẽ không được công nhận theo luật di trú Mỹ.
Theo hướng dẫn mới, những viên chức xét duyệt của Sở Di Trú sẽ đánh giá 3 yếu tố sau để quyết định xem một cuộc hôn nhân với người vị thành niên có hợp pháp để xin những lợi ích về di trú hay không.
- Hôn nhân có hiệu lực về mặt pháp luật tại nơi hôn nhân diễn ra hay không
- Hôn nhân có được công nhận là tồn tại hợp pháp theo pháp luật của bang nơi mà bạn và người phối ngẫu hiện đang ở hoặc sẽ ở tại Hoa Kỳ hay không
- Cuộc hôn nhân có dựa trên tinh thần tự nguyện, hoàn toàn đồng thuận và thỏa điều kiện để xin phúc lợi di trú hay không
Điều này có nghĩa là ngoài việc cuộc hôn nhân có hiệu lực tại nơi nó diễn ra thì bạn cũng phải đảm bảo rằng luật pháp của bang nơi bạn cư trú hoặc sẽ cư trú cũng phải công nhận hôn nhân của bạn là có hiệu lực. Ví dụ như, một số tiểu bang yêu cầu những cá nhân vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ cần có sự đồng thuận của cha mẹ là có thể kết hôn, trong khi một số tiểu bang khác đòi hỏi phải có sắc lệnh của tòa cho phép cá nhân vị thành niên đó kết hôn. Nhưng dù có như vậy đi chăng nữa thì viên chức di trú xét duyệt hồ sơ của bạn cũng sẽ không công nhận hôn nhân của bạn có hiệu lực nếu họ phát hiện ra một trong 2 người không kết hôn trên tinh thần tự nguyện.
Yêu cầu bắt buộc phải phỏng vấn
Ngoài hướng dẫn mới về cách xét duyệt những trường hợp như nêu trên, chính sách mới này cón hướng các viên chức lãnh sự đến việc yêu cầu phỏng vấn trực tiếp những đương đơn bảo lãnh diện vợ chồng I-130 nếu người bảo lãnh hoặc người thụ hưởng:
- Dưới 16 tuối
- Hoặc 16, 17 tuổi và có sự chênh lệch từ 10 tuổi trở lên giữa vợ chồng
Ngoài những trường hợp đặc biệt liên quan đến phỏng vấn đương đơn vị thành niên, bản hướng dẫn mới cũng yêu cầu các viên chức khi phỏng vấn những đương đơn vị thành niên nên hành xử khéo léo và đặc biệt cẩn trọng. Ví dụ như, hướng dẫn mới này nói rằng một vài trường hợp viên chức phỏng vấn có thể yêu cầu thêm sự có mặt của một người trưởng thành đáng tin trong buổi phỏng vấn.
Kết luận:
Cập nhật mới này cho AFM sẽ không thay đổi luật hiện hành về việc xét duyệt I-130. Thay vào đó, nó bổ sung một số điều khoản hướng dẫn rõ hơn về việc xem xét hồ sơ cẩn trọng đối với những trường hợp bảo lãnh vợ chồng mà một trong hai còn ở tuổi vị thành niên. Nếu bạn đang nộp đơn bảo lãnh vợ chồng I-130 mà người vợ hoặc chồng của bạn ở tuổi vị thành niên, bạn cần biết rằng hồ sơ bảo lãnh của mình sẽ trải qua sự xét duyệt cẩn thận và kỹ càng của Sở Di Trú để đảm bảo an toàn cũng như sức khỏe và tinh thần cho đương đơn vị thành niên.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ XIN VUI LÒNG GỌI:
Văn phòng Nam Cali: 877-DI-TRÚ-MỸ HOẶC 877-348-7869
Văn phòng San Jose: (408) 998-5555
Văn phòng Sài Gòn: (028) 3516-2118